Đang truy cập: 28 Trong ngày: 375 Trong tuần: 857 Lượt truy cập: 637429 |
Đánh giá chi tiết Thinkpad P1 Gen 2 2019
Đánh giá chi tiết
Ưu điểm
- Thiết kế sang trọng tinh tế
- Hiệu năng mạnh mẽ
- Đa dạng cổng kết nối
- Sử dụng các tính năng bảo mật mới nhất hiện nay
- Chuẩn kết nối Wifi 6
- Dễ dàng trong việc nâng cấp
Nhược điểm
- Máy nhanh nóng
- Xung nhịp CPU giảm nhanh
- Thời lượng pin không cao
- Dễ bám vân tay
Đâu là đối tượng phù hợp cho chiếc máy này?
Với thiết kế thức thời, hiện đại, cùng hiệu năng mạnh mẽ tới từ CPU và GPU, ThinkPad P1 Gen 2 hướng tới dân thiết kế đồ họa chuyên nghiệp, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, nhưng lại cần phải di chuyển thường xuyên.
Màn hình xuất sắc bậc nhất
Cú lột xác ngoạn mục nhất trên ThinkPad P1 thế hệ thứ 2 lại nằm hoàn toàn trên chiếc màn hình. Chiếc máy được trang bị màn hình Full HD IPS tiêu chuẩn, có độ phủ màu 92% sRGB và 61% AdobeRGB với độ sáng ở mức trung bình, vào khoảng 300 nits. Nhưng thật bất ngờ, Lenovo đã tung ra tùy chọn màn Full HD HDR với công nghệ Dolby Vision, cho hình ảnh chi tiết, màu sắc chân thực, nhưng không kém phần sống động.
Hai tùy chọn 4K và 4K Touch cũng được bổ sung thêm công nghệ Dolby Vision HDR, cho màu sắc trung thực, hoàn hảo trên mọi góc nhìn. Phiên bản 4K Touch cho dải màu DCI-P3 xuất sắc khi đạt con số 100%, phù hợp với những đối tượng chuyên làm việc với phim ảnh. Phiên bản màn 4K cũng được hãng bổ sung thêm con chip cân màu tới từ Pantone, nhằm tăng thêm độ chính xác về màu sắc.
Tối đa hóa về hiệu năng
Chiếc máy sử dụng dòng CPU Intel Coffee Lake thế hệ 9, với tùy chọn từ Core i5 9400H cho tới Xeon E2276M. Ở thế hệ này còn có thêm tùy chọn Core i9 9880H, giúp người dùng có thể chạy những chương trình nặng như Render những thước phim 4K dài hoặc dựng mô hình 3D qua các phần mềm CAD. Có lẽ Lenovo cũng đã nghiêm túc hơn với dòng Mobile Workstation mỏng nhẹ nhưng có hiệu năng cao.
Chiếc máy có hệ thống các tùy chọn card đồ họa phong phú, phù hợp với từng nhu cầu sử dụng của mỗi người, với tùy chọn cơ bản nhất là phiên bản sử dụng GPU tích hợp Intel UHD 630, cao hơn là card Nvidia Quadro T1000 và T2000 4GB. Với kiến trúc Turing, 2 tùy chọn card đồ họa Quadro hứa hẹn sẽ mang lại hiệu năng cao gấp 5 lần so với kiến trúc Pascal cũ, giúp người dùng tạo ra những bản vẽ 3D tuyệt vời.
Thiết kế
Lenovo vẫn áp dụng kiểu thiết kế đã làm chấn động người dùng năm ngoái cho dòng ThinkPad P1 thế hệ thứ 2 này. Chiếc máy vẫn mang một sắc đen truyền thống cùng các góc cạnh sắc nét. Khác với phiên bản thế hệ trước, năm nay Lenovo đã sử dụng hợp kim nhôm cho cả mặt lưng lẫn mặt đáy nhằm tăng cường khả năng tản nhiệt cũng như tạo ra sự chắc chắn tuyệt đối, trong khi đó thân máy sử dụng hợp kim magnesium để tăng cường độ bền cũng như giảm đáng kể trọng lượng. Chiếc máy vẫn được phủ lớp sợi carbon gia cường nhằm tạo ra sự bóng bẩy, cũng như tối đa hóa sự bền bỉ khi sử dụng ở nhiều điều kiện môi trường khắc nghiệt.
Nhìn chung có vẻ thiết kế vẫn giống như thế hệ đầu, nhưng một lần nữa, chúng ta phải bất ngờ với sự thay đổi tinh tế tới từ Lenovo. Máy vẫn có viền màn hình mỏng, dòng chữ P1 được điểm nhẹ phía góc phải, thế nhưng, phần camera lại khác. Cần gạt ThinkShutter đã được làm bé lại, điệu hơn, thể hiện sự hiện đại, thời trang. Máy vẫn áp dụng kiểu bản lề chìm với các khe tản nhiệt nằm phía sau, hỗ trợ tốt cho việc tản nhiệt trên một chiếc Ultrabook hiệu năng cao.
Tối ưu khi kết nối các thiết bị ngoại vi
Máy có 2 cổng USB Type A 3.1 Gen 1 nằm ở cạnh phải, 2 cổng USB Type C 3.1 Gen 2 tích hợp Thunderbolt 3, một khe thẻ SD truyền thống, 1 cổng HDMI 2.0, một cổng kết nối Mini RJ-45 và 1 jack tai nghe 3.5mm. Với số lượng cổng kết nối như này, người dùng không còn phải ái ngại mỗi khi định lắp thêm các thiết bị khác như chuột và bàn phím rời nữa. Trong khi đó, những đối thủ như Dell XPS 9500 hay Macbook Pro 15 2018 thì lại lược bỏ hết các cổng kết nối của mình đi và thay hoàn toàn bằng USB Type C. Điểm đáng tiếc là chiếc máy không sử dụng cổng RJ-45 truyền thống, nhưng thay vào đó máy hỗ trợ chuẩn kết nối Wifi 6, cho tốc độ kết nối nhanh nhất hiện nay.
Sự thay đổi bất ngờ tới từ hệ thống âm thanh
Chiếc máy vẫn được trang bị cho 2 loa lớn có công suất 2W ở mặt đáy, kèm thêm công nghệ Dolby Audio Premium khiến cho âm thanh nổi, trung thực, cùng với đó là công nghệ âm thanh vòm Dolby Atmos. Tuy nhiên, Lenovo đã thay đổi con chip âm thanh của máy từ Realtek sang Synaptics, nâng cao đáng kể trải nghiệm âm thanh của người dùng.
Bàn phím và Touchpad
Máy giữ nguyên hành trình phím 2,2mm của thế hệ tiền nhiệm, khoảng cách các phím hợp lý, keycaps bo cong, ôm tay, mang lại sự thoải mái khi gõ liên tục trong thời gian dài. Bàn phím của ThinkPad P1 Gen 2 được đánh giá rất cao nhờ điểm lực rõ ràng và hành trình phím tốt. Tất nhiên, nếu so với 1 chiếc máy trạm cồng kềnh và to dày như ThinkPad P53, hành trình phím này chưa thể bằng được, nhưng xét tổng thể trên 1 chiếc Ultrabook, đây có lẽ là hành trình phím tốt nhất cho tới thời điểm hiện tại.
Touchpad có kích thước lớn, bề mặt phủ kính nhưng có thêm một lớp nhám mềm mang lại cảm giác tiếp xúc rất tuyệt. Độ trễ khi di chuyển thấp, các thao tác đa điểm nhạy nhờ vào Windows Precision Driver. Hai bên chuột trái – phải cho độ nảy tốt, phản hồi nhanh.
Trackpoint vẫn cho độ chính xác cao tuyệt đối. Cụm nút chuột bổ trợ nhạy, có điểm lực và phản hồi khá rõ ràng.
Khả năng bảo mật
Bất kể chiếc máy trạm nào cũng đều được trang bị những tính năng bảo mật tối ưu nhất, và lẽ dĩ nhiên, ThinkPad P1 Gen 2 cũng không phải là ngoại lệ. P1 Gen 2 được trang bị cảm biến vân tay 3 lớp ở gần cụm phím mũi tên, được nhúng con chip dTPM 2.0 thẳng vào Bios để thiết lập mật khẩu ổ cứng, mật khẩu lúc khởi động máy. Thêm vào đó, chiếc máy còn được trang bị cần gạt ThinkShutter quen thuộc, chống việc bị bên thứ 3 xâm nhập vào. Ngoài ra máy còn được trang bị mở khóa khuôn mặt Windows Hello với 2 cảm biến hồng ngoại siêu nhạy. Đáng tiếc, chiếc máy không có tùy chọn màn hình PrivacyGuard như đại đa số thiết bị.
ThinkPad P1 Gen 2 có phải là bản nâng cấp đáng giá?
Dù không bóng bẩy như Precision 5540, hay thiết kế không phá cách như HP Zbook Studio G5, ThinkPad P1 Gen 2 vẫn có chỗ đứng riêng cho mình trong hàng ngũ Mobile Workstation mỏng nhẹ hiệu năng cao. Với một cấu hình khủng, cùng với sự bền bỉ chắc chắn, đây hoàn toàn là chiếc máy phù hợp đối với dân thiết kế đồ họa chuyên nghiệp nhưng hay phải di chuyển nhiều. Điểm làm người dùng phải đắn đó chính là khả năng giữ xung nhịp của CPU trong thời gian dài.